Đó là một trong những
nội dung quan trọng nhất tại Dự thảo Thông tư quy định về bồi thường
ứng trước không hoàn lại đối với hành khách khi các chuyến bay bị chậm
hủy của Cục Hàng không Việt Nam sắp trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay cất cánh muộn 15 phút so với
giờ khởi hành bị coi là chậm. Chuyến bay bị chậm dài là chuyến bay có
giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn) muộn hơn 4 tiếng so
với giờ dự kiến cất cánh theo lịch bay. Trong khi đó, việc hủy chuyến
bay là việc không thực hiện một chuyến bay mà lịch bay để đặt chỗ, bán
vé của chuyển bay này vẫn còn trên hệ thống bán vé đặt chỗ của hãng hàng
không trong vòng 24h trước giờ dự kiến cất cánh.
Hành khách bị ảnh hưởng vì chậm hủy chuyến sẽ được tăng mức bồi thường
Quy định về bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với hành khách ra
đời khi tỷ lệ chậm hủy chuyến bay tăng cao trong thời gian qua làm ảnh
hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ vận chuyển và gây bức xúc trong dư
luận. Trước đó, Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT được áp dụng từ cách đây 8
năm quy định về bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng ở mức thấp so
với mặt bằng giá hiện nay nên không đáp ứng được yêu cầu của hành khách
chịu ảnh hưởng vì chậm hủy chuyến bay, vì vậy cần thiết có một quy định
mới thay thế Quyết định 10 này nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đi
lại bằng đường hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng
không.
Trong dự thảo Thông tư quy định về bồi thường ứng trước không hoàn
lại đối với hành khách khi các chuyến bay bị chậm hủy của Cục Hàng không
Việt Nam mới, mức bồi thường đối với hành khách bị ảnh
hưởng vì chậm/hủy chuyến bay được căn cứ theo đường bay nội địa hay
quốc tế và cự ly chặng bay.
Với chuyến bay nội địa bị hủy, chậm chuyến trên 4 giờ có mức bồi thường tăng 100.000 đồng so với quy định hiện hành: Chuyến bay
có độ dài dưới 500 km mức đền bù 200.000 đồng/hành khách; từ 500 km đến
dưới 1.000 km bồi thường 300.000 đồng/hành khách; từ 1.000 km trở lên
bồi thường 400.000 đồng/hành khách.
Trong dự thảo Thông tư này giữ nguyên mức bồi thường đối với chuyến
bay quốc tế với lí do chi phí được tính bằng USD nên yếu tố trượt giá
không lớn. Cụ thể: Bồi thường 25 USD/hành khách trên chuyến bay dưới
1.000 km, 50 USD/hành khách trên chuyến bay từ 1.000 đến 2.500 km, 80
USD/hành khách cho chuyến bay có cự ly từ 2.500 đến dưới 5.000 km và mức
bồi thường cao nhất là 150 USD/hành khách tham gia chuyến bay có độ dài
đường bay từ 5.000 km trở lên.
Với trường hợp hành khách không nhận được tiền bồi thường hoặc cho
rằng mức bồi thường chưa phù hợp với quy định của thông tư, hành khách
gửi văn bản (chấp nhận văn bản điện tử) theo mẫu đến hãng hàng không
trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh để yêu cầu
hãng hàng không trả tiền bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày
nhận được văn bản, hãng hàng không có nghĩa vụ trả lời hoặc trả tiền cho
hành khách. Hành khách có thể khởi kiện hãng hàng không theo pháp luật
dân sự về việc bồi thường trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chuyến bay dự
kiến cất cánh.
Ngoài việc phải bồi thường khi hủy chuyến như hiện nay, dự thảo Thông
tư của Cục Hàng không cũng nhấn mạnh việc hãng hàng không phải bồi
thường khi chuyến bay chậm hơn 4 tiếng so với giờ khởi hành. Mức tiền
bồi thường sẽ được tăng lên và hành khách có quyền kiện dân sự với hãng
hàng không về việc bồi thường.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ Hàng không sẽ chủ trì và
làm việc cùng các hãng hàng không xây dựng quy chế giám sát thực hiện
các quy định bồi thường chậm, hủy chuyến; hãng hàng không có trách nhiệm
thông báo cho cảng hàng không, cảng vụ để cập nhật thông tin, giám sát
việc bồi thường cho hành khách; hàng ngày hãng hàng không có trách nhiệm
báo cáo cảng vụ số lượng hành khách được bồi thường, tổng số tiền bồi
thường cho các chuyến bay tại mỗi cảng hàng không.
Nguồn Dân Trí